Nâng cao công tác tập huấn để bảo đảm tốt hơn quyền con người

“Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền khu vực miền Trung, Tây Nguyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu cũng như các kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trên lĩnh vực nhân quyền, nâng cao công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền tại địa phương trong tình hình mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Nhân quyền nhấn mạnh tại lễ khai mạc diễn ra ở Ninh Thuận ngày 22/12. 

Khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại, quyền con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Việt Nam là quốc gia thành viên của 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người và đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm cân đối giữa việc các biện pháp khẩn cấp phòng chống COVID -19 cũng như tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý của mình theo quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp, pháp luật quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Nhân quyền Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ, năm 2020 vừa qua Việt Nam được đánh giá là một quốc gia điển hình về ứng phó hiệu quả với COVID -19, bảo vệ quyền sống và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong bối cảnh mới, hội nghị tập huấn công tác nhân quyền khu vực miền Trung – Tây nguyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu cũng như các kỹ năng, kinh nghiệm xử lý các tình huống trên lĩnh vực nhân quyền, nâng cao công tác bảo đảm nhân quyền tại địa phương.

Tại hội nghị, ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh Ninh Thuận hiện nay với dân số chỉ có 600.000 người gồm 34 dân tộc sinh sống đan xen trong đó dân tộc Chăm có 79.819 nhân khẩu (chiếm 11% dân số toàn tỉnh), là nơi giữ gìn nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chămpa. Ninh Thuận có 10 tôn giáo khác nhau với 184.577 tín đồ (chiếm gần 1/3 dân số của tỉnh).

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị.

Ninh Thuận là địa phương đang có sự phát triển mạnh và bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, được xem là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Ông Phan Tấn Cảnh khẳng định, hội nghị sẽ cập nhật những kiến thức mới trong công tác bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực, đồng thời cũng là dịp để địa phương chia sẻ những thành tựu đạt được trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày các chuyên đề nhân quyền về công tác bảo đảm thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, bảo vệ quyền con người trên không gian mạng, vấn đề tiếp cận thông tin minh bạch, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID- 19, bảo đảm quyền cho người lao động trong hiệp định CPTPP và EVFTA… Từ đó cung cấp góc nhìn mới trong công tác bảo vệ quyền con người trong tình hình mới; xác định bảo đảm tốt quyền con người chính là bản chất của xã hội Việt Nam, là sức mạnh vững chắc để chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực địch.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, tăng cường hợp tác và đối thoại về nhân quyền, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực về nhân quyền, nâng cao hình ảnh của Việt Nam, giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn khách quan về vấn đề bảo đảm quyền con người Việt Nam hiện nay.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định hội nghị tập huấn công tác nhân quyền khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã thành công tốt đẹp. Đội ngũ báo cáo viên là lãnh đạo cấp Vụ, Cục đã truyền đạt hiệu quả những thông tin, tình hình cập nhật về công tác bảo đảm, đấu tranh nhân quyền trên tinh thần xây dựng. Các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, góp phần phục vụ thiết thực công tác nhân quyền tại các địa phương.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, những thách thức của tình hình kinh tế xã hội trong nước đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo đảm, bảo vệ quyền con người, Chánh Văn phòng Nhân quyền đề nghị phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong đó nâng cao năng lực công tác của cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền được xác định là khâu đột phá; tập trung giải quyết những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong thực tiễn công tác nhân quyền địa phương, nhằm bảo đảm tốt nhất công tác nhân quyền trong tình hình mới, mục tiêu là bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân.

Theo Báo CAND


Bài viết mới nhất: