Một số điều cần biết Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG, BAN HÀNH LUẬT

Qua 03 năm triển khai thực hiện, Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập sau:
Thứ nhất, quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an
Hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an được quy định trên cơ sở điều kiện, môi trường, tính chất công việc và đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, đồng thời luôn đảm bảo tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người lao động tăng lên. Bộ luật Lao động được coi là “Luật gốc”, điều chỉnh về tuổi nghỉ hưu của người lao động, vì vậy, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thay đổi thì cũng cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an tại Luật CAND, Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật CAND (Nghị định số 49/2019/NĐ-CP). Mặt khác, thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, tổ chức bộ máy các cấp Công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện và sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vị trí việc làm của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đã được xác định rõ ràng, cụ thể nên cần phải sửa đổi quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an cho phù hợp.
Bên canh đó, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cho thấy, trong lực lượng CAND, nhiều cán bộ có thời gian công tác lâu năm, có kinh nghiệm thực tiễn, thông thuộc địa bàn, đặc biệt là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự; xây dựng cơ chế phối hợp, mối quan hệ mật thiết với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài lực lượng CAND, góp phần thuận lợi, tranh thủ nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc trong công tác lãnh đạo, chỉ huy có nhiêu cán bộ đang chỉ đạo điều tra, xử lý những chuyên án đặc biệt trong lĩnh vực tình báo, an ninh, cảnh sát… đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng do yêu cầu liên thông, liên hoàn trong chỉ huy nên cần phải được kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đang được giao. Mặt khác, khoản 2 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan Quân đội nhân dân trong trường hợp đặc biệt nhưng Luật CAND chưa quy định vê nội dung này. Vì vậỵ, để phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND thì cần thiết bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt tại Luật CAND.

     Thứ hai, về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác
Khoản 1 Điều 23 Luật CAND quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng CAND, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”. Khoản 3 Điều 23 Luật CAND quy định: “Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp Tướng”. Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Công an đã ban hành văn bản quy định cụ thể về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lập thành tích đặc biệt xuất sắc có cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống. Tuy nhiên, đối với việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn thì Luật CAND chưa quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn có thành tích đặc biệt xuất săc nên khó triển khai thực hiện trên thực tế.

     Thứ ba, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
Hiện nay, Đảng và Nhà nước cho phép số lượng, vị trí cấp Tướng trong CAND tối đa là 205. Tuy nhiên, Luật CAND mới quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm là cấp Tướng (01 Đại tướng, 06 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng); do đó, nội dung Điều 25 Luật CAND về số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng chưa quy định hết số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng được phê duyệt.
Sau khi được kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục, tương đương cấp Cục thuộc cơ quan Bộ có trần cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng; tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cấp Tướng. Ví dụ: Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an…
Ngày 09/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; trong tương lai thành phố Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương khác có thể thành lập đơn vị hành chính đặc biệt như thành phố Thủ Đức. Đây là những đơn vị hành chính có quy mô quản lý địa bàn lớn hơn cấp quận nhưng khoản 1 Điều 25 Luật CAND chỉ quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là chưa phù hợp với tính chất địa bàn, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này. Ngoài ra, đối với Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh là các đơn vị tương đương cấp Phòng, là đơn vị vũ trang tập trung, quân số lớn, trực tiếp chiến đấu và áp dụng biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm tuyệt đối an toàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mục tiêu, công trình, sự kiện chính trị quan trọng; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; quản lý địa bàn rộng trên phạm vi cả nước và địa bàn đô thị. Tuy nhiên, Luật CAND mới chỉ quy định Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá (điểm e khoản 1 Điều 25) nên chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này.
Từ lý do nêu trên, Bộ Công an thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an; thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
1. Mục đích xây dựng Luật
Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”;
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND theo Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất; hoàn thiện cơ sở pháp lý về chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND;
Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; bổ sung số lượng, vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
2. Quan điểm xây dựng Luật
– Bảo đảm lực lượng CAND đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an.
– Việc xây dựng dự án Luật phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật CAND và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó tập trung vào quy định về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn, cấp bậc hàm của chức vụ, chức danh trong CAND; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
– Bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

III. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập, qua quá trình tổng kết thi hành Luật CAND trong toàn lực lượng CAND, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: (1) Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an, kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất trong trường hợp đặc biệt; (2) Bổ sung Công an một số vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng; (3) Bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với các chức vụ: Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung đoàn trưởng.

IV. MỤC TIÊU, NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH SỬA ĐỔI LUẬT
1. Chính sách 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân Công an
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 30 Luật CAND về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan theo hướng: Bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân Công an; tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan so với hạn tuổi quy định tại Điều 30 Luật CAND, riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; công nhân Công an, nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi so với hạn tuổi phục vụ quy định tại Điều 11 Nghị định số 49/2019/NĐ-CP. Thời gian tăng tuổi hàng năm theo lộ trình: Sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất trên 60 tuổi đối với nam thì tăng 03 tháng, trên 55 tuổi đối với nữ (trừ nữ sĩ quan cấp Tướng) thì tăng 04 tháng; sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 55 tuổi trở xuống đối với nam, từ 53 tuổi trở xuống đối với nữ (sỹ quan có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, Cấp úy và Hạ sĩ quan) thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên; công nhân Công an: Nam tăng 03 tháng, nữ tăng 04 tháng; kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.
2. Chính sách 2: Quy định về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác
Bổ sung quy định: Giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn về thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật CAND.
3. Chính sách 3: Quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
Bổ sung 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 (Đại tá). Cụ thể như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 25 Luật CAND theo hướng: Bổ sung 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng. Hiện nay, Luật CAND đã quy định 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà Đảng, Nhà nước cho lực lượng Công an nhân dân tối đa 205 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng (còn có thể bổ sung 06 vị trí).
+ Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 theo hướng: Quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
+ Sửa đổi, bổ sung Điều 25 theo hướng: Quy định Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

BỘ CÔNG AN

Bài viết mới nhất: