Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ vai trò đặc biệt quan trọng Tổ Phó thường trực của lực lượng Công an các cấp, nhất là đồng chí Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trong việc tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh truyền cảm hứng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06, những nhiệm vụ trong lộ trình của đề án từ nay đến cuối năm 2022, phần việc phục vụ cho việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú sau 31/12/2022.
Chiều 30/9, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đến Công an toàn quốc về đánh giá chỉ tiêu cấp CCCD và chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ chủ trì hội nghị.
Trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin nhanh đến Công an các đơn vị, địa phương về nội dung, kết quả và những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 46 địa phương thực hiện Đề án 06 diễn ra ở Thái Nguyên vào 29/9/2022.
“Thái Nguyên đã đạt được kết quả cao. Có được kết quả này là do sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, sự hỗ trợ của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, trong đó vai trò của Công an tỉnh Thái Nguyên rất rõ ràng”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh. Công an tỉnh Thái Nguyên không những thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao trong cấp CCCD gắn chip, xác thực định danh điện tử… mà còn thực hiện hiệu quả vai trò là Tổ phó Thường trực, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời thúc đẩy các ngành trong tỉnh thực hiện lộ trình Đề án 06.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc bày tỏ băn khoăn trước kết quả chưa đạt yêu cầu của một số Công an địa phương trong thực hiện Đề án 06, nhất là những phần việc phục vụ người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hạn sau 31/12/2022. “Từ ngày 1/1/2023, thực hiện Luật Cư trú sẽ không dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Hiện qua rà soát của Bộ Công an vẫn còn có tới 21 nghị định liên quan đến các bộ, ngành cần phải có xác nhận của sổ hộ khẩu giấy. Về phía Bộ Công an đã bỏ hết những quy định cần xác nhận liên quan đến hộ khẩu giấy để tạo điều kiện cho người dân”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu rõ: Nếu chúng ta không cố gắng, nỗ lực vượt khó khăn, cấp sớm cho người dân mã định danh cá nhân, xác thực điện tử thì người dân không thể bỏ được sổ hộ khẩu giấy, đó là trách nhiệm của lực lượng Công an. Công an các đơn vị, địa phương phải quyết liệt, hiệu quả trong tham mưu lãnh đạo tỉnh đầu tư hạ tầng tối thiểu để cài đặt định danh điện tử, chứa đựng tài liệu số hóa, thực hiện trên môi trường điện tử.
Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, thực hiện Đề án 06, vai trò của Công an rất lớn, được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đặc biệt, tại cuộc họp giao ban Quý 3 vừa qua, các đơn vị đã được nghe đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo, nhấn mạnh những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2022, yêu cầu phải gấp rút thực hiện đạt hiệu quả cao.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông báo, hiện Bộ trưởng đã ký Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương để tập trung lãnh đạo lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở phải có trách nhiệm thực hiện hiệu quả Đề án 06, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ, đầu việc cụ thể có liên quan đến đề án.
“Nếu Công an các địa phương không sớm thực hiện những nhóm việc mà lãnh đạo Bộ vừa nêu, thì mặc nhiên khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có hiệu lực, những người dân ở các tỉnh, thành này giao dịch, làm thủ tục hành chính sẽ gặp khó khăn, dẫn tới xảy ra tình trạng khiếu nại, Công an phải trả lời, giải quyết. Khi đó, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu phải được làm rõ, xử lý nghiêm”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc quán triệt.
Gợi mở nội dung tham luận sau báo cáo tổng kết của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu lãnh đạo Công an các địa phương tập trung phân tích, làm rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và đề ra biện pháp khắc phục, giải quyết. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ: Lãnh đạo các đơn vị phải thực sự quyết liệt, bám sát vào lộ trình nhiệm vụ đã được đặt ra trong Đề án 06 để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả. “Các đơn vị tự giác, chủ động đăng ký tham luận, trình bày ý kiến ngay tại hội nghị. Đây là quyền và trách nhiệm, nếu đơn vị nào không có ý kiến thì phải thực hiện”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Dưới sự điều hành của Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, lần lượt Công an các đơn vị, địa phương gồm: Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Công an TP Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh… đã tham luận những nội dung xung quanh việc thực hiện, đánh giá chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip và chuẩn bị các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022. Độ “nóng” trong việc thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06, phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022 đã được các đơn vị báo cáo trước Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc với những ví dụ cụ thể, trong đó có cả việc điều chuyển, xử lý nghiêm những trường hợp chỉ huy, CBCS ở các cấp không hoàn thành nhiệm vụ.
Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương những kết quả, thành tích của Công an các đơn vị địa phương, đặc biệt chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Chỉ còn hơn 90 ngày nữa là tới thời điểm 0h ngày 1/1/2023, Luật Cư trú có hiệu lực. Lãnh đạo Bộ Công an đã chuẩn bị các phương án, phân công những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phục vụ người dân ở dấu mốc thời gian này. Nếu chúng ta không có hành động cụ thể thì sẽ rơi vào trạng thái bị động. Yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, của nhân dân hiện nay không cho phép chúng ta dừng lại mà phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Đây là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của lực lượng Công an trong đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vì sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải hoàn thành với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất, đó là danh dự, trách nhiệm của ngành Công an với Đảng, Nhà nước, với Nhân dân và xã hội”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguy cơ và nguyên nhân trên từng vấn đề, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu Công an các đơn vị rà lại tất cả những phần việc phải đáp ứng, phục vụ người dân, xã hội cho thời điểm 1/1/2023. Từng đồng chí chỉ huy, CBCS ở từng cấp đều đã nhận thức sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, nắm rõ phần việc của mình, giờ phải nhắc lại, cụ thể việc thực hiện từng nội dung thuộc về cấp nào, thời gian nào phải hoàn thành.
Lấy ví dụ về sự vào cuộc với quyết tâm, trách nhiệm cao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ, đồng chí Giám đốc Công an các địa phương phải chỉ đạo thực hiện tốt vai trò thường trực, tham mưu với Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh đôn đốc, thúc đẩy các sở, ngành thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặc biệt lưu ý đến vai trò thường trực, thúc đẩy của Công an là rất quan trọng, mang tính quyết định đến thành, bại của đề án.
“Các đồng chí phải lưu ý thực hiện thật tốt vai trò này. Công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trực tiếp ở từng việc, từng cấp vô cùng quan trọng, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm. Nếu trong quá trình thực hiện các dự án, chúng ta không xắn tay cùng nhau, chỉ đạo trực tiếp, tháo gỡ khó khăn trực tiếp thì chúng ta không thể hoàn thành việc cấp 50 triệu CCCD ngày 1/7 vừa qua”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nhấn mạnh: Giám đốc Công an các địa phương phải quyết liệt, kiên quyết, hiệu quả hơn trong chỉ đạo thực hiện nội dung này; xác định rõ đây là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác của lực lượng vũ trang. Lãnh đạo Công an các tỉnh phải là người truyền, tạo nên cảm hứng cho CBCS ở từng cấp của đơn vị mình, gắn với trách nhiệm của các đồng chí Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, cho đến từng Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, phường, xã… trong việc phân cấp, phân quyền thực hiện những nhiệm vụ cụ thể được giao.
“Nếu chúng ta không thực hiện được dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, CCCD, định danh điện tử, không là “bà đỡ” cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Việc thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, chỉ đạo thực hiện của đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạo “sức hút” để các ngành nhìn vào đó thực hiện, triển khai, đồng thời chủ động, sáng tạo trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh đều hiểu, nắm rõ và quyết tâm chỉ đạo, thực hiện Đề án 06. Nhiều địa phương còn mong muốn lực lượng Công an hỗ trợ để làm điểm, tạo dấu ấn đột phá trong cải cách thủ tục hành chính từ dịch vụ công trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu câu hỏi, Công an các địa phương có xác định được tại tỉnh mình có bao nhiêu thủ tục hành chính hiện vẫn còn liên quan đến sổ hộ khẩu giấy hay không. Nếu đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, thành không nắm được thì không thể tham mưu cho đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh để giải quyết hiệu quả. Chính vì vậy, người đứng đầu Công an các địa phương phải hiểu, đột phá, thể hiện bản lĩnh, sáng tạo, trách nhiệm của người chỉ huy đối với Đề án 06 mới vượt qua được khó khăn. “Nếu chúng ta cứ kêu khó thì các ngành khác còn kêu khó khăn hơn, chính vì vậy trách nhiệm, quyết tâm chính trị, ý thức triển khai, quyết tâm thực hiện Đề án 06 của lãnh đạo Công an các cấp phải được nâng cao hơn nữa”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ.
Ngay sau hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục trực tiếp phát hiện, tiếp nhận và giải quyết những đề xuất, vướng mắc sớm nhất từ Công an các địa phương; đồng thời chỉ rõ những nguy cơ chậm tiến độ của từng đơn vị, phối hợp chặt chẽ để giải quyết cũng như động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt và xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, kém hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu từ nay đếm lùi đến thời hạn 1/1/2023, Giám đốc Công an các tỉnh phải phân công, đặt ra những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện, hoàn thành trong từng ngày, từng tuần, từng tháng, đồng thời hàng ngày gửi báo cáo về Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Văn phòng Bộ Công an để tập hợp, hướng dẫn, giải quyết. Những phần việc, kiến nghị, đề xuất thuộc từng cấp sẽ được lãnh đạo Bộ trực tiếp giải quyết ngay hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, xử lý. “Lãnh đạo Bộ và cá nhân đồng chí Bộ trưởng rất chia sẻ những khó khăn, vất vả của Công an các đơn vị, địa phương, nhưng đây cũng là thời cơ để lực lượng Công an thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Đề án 06”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Theo Báo CAND