Để giúp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội trong năm 2023, Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh trân trọng đăng tải bộ câu hỏi và trả lời liên quan đến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân quan tâm theo dõi, ủng hộ trong quá trình xây dựng và thực hiện, cụ thể như sau:
1. Nội dung các câu hỏi:
Câu 1. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân dựa trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đặt ra như thế nào?
Câu 2. Quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị; hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã bảo đảm đúng quy định pháp luật?
Câu 3. Những chính sách nào được đề xuất để sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân?
Câu 4. Các chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân có tác động như thế nào?
Câu 5. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước hay không?
Câu 6. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng biên chế hay không?
Câu 7. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng thêm thủ tục hành chính hay không?
Câu 8. Đề nghị giải thích cụ thể quy định: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác và trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định?
Câu 9. Tại sao phải bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác?
Câu 10. Việc quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có ảnh hưởng gì đến thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018 hay không?
Câu 11. Đề nghị giải thích rõ quy định bổ sung cụ thể 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân?
Câu 12. Việc bổ sung 06 vị trí cấp Tướng tuy không vượt quá chỉ tiêu mà cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng sẽ không còn vị trí dự phòng khi thành lập đơn vị mới; khi đó, việc bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị thành lập mới có bảo đảm tính khả thi?
Câu 13. Đề nghị giải thích rõ quy định Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm Đại tá?
Câu 14. Đề nghị làm rõ căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an: Tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành?
Câu 15. Vì sao không tăng tuổi nghỉ hưu của tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo đúng mức độ tăng của Bộ luật Lao động (Nam: 62 tuổi; Nữ: 60 tuổi)?
Câu 16. Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan với mức tăng 2 tuổi dựa trên cơ sở nào?
Câu 17. Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan và cả công nhân Công an có tác động như thế nào?
Câu 18. Việc tăng hạn tuổi phục vụ đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá 03 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá 05 tuổi trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 02 tuổi có tác động về giới như thế nào?
Câu 19. Việc tăng hạn tuổi phục vụ có tác động đến nguồn nhân lực của toàn lực lượng, nhất là biên chế, số lượng tuyển sinh, tuyển dụng vào Công an nhân dân hay không?
Câu 20. Căn cứ đề xuất quy định: Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên?
Câu 21. Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hay không?
Câu 22. Căn cứ đề xuất quy định: Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành?
Câu 23. Việc xác định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 có phù hợp với quy định tại Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hiệu lực trở về trước đối với chính sách có lợi cho tổ chức, cá nhân hay không?
Câu 24. Vì sao phải bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi trong trường hợp đặc biệt?
Câu 25. Vì sao phải sửa đổi, bổ sung về kéo dài hạn tuổi phục vụ?
Câu 26. Vì sao phải giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, chính sách của Công nhân công an?
2. Nội dung trả lời:
Câu 1. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân dựa trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đặt ra như thế nào?
Trả lời:
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn sau:
– Cơ sở chính trị và pháp lý
Thứ nhất, ngày 16-3-2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó có chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)”.
Thứ hai, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra chủ trương: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”;
Thứ ba, thể chế hóa các nội dung tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026); trong đó, có nhiệm vụ, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân.
Thứ tư, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2018 để có căn cứ pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ thực hiện việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
– Cơ sở thực tiễn
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), Bộ Công an đã tiến hành tổng kết, rà soát Luật Công an nhân dân năm 2018. Quá trình thi hành Luật bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:
Một là, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 và thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân.
Hai là, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập.
Ba là, quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân chưa phù hợp với cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong Công an nhân dân.
Từ những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 là cần thiết.
Câu 2. Quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị; hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã bảo đảm đúng quy định pháp luật?
Trả lời:
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an tiến hành các công việc xây dựng hồ sơ đề nghị và hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo quy trình một kỳ họp (tại Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023).
Câu 3. Những chính sách nào được đề xuất để sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2018?
Trả lời:
Trên cơ sở tổng kết Luật Công an nhân dân năm 2018, tình hình thực tiễn, dự án Luật được xây dựng trên cơ sở 03 chính sách sau:
Chính sách 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an;
Chính sách 2: Quy định về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác;
Chính sách 3: Quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.
Câu 4. Các chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân có tác động như thế nào?
Trả lời:
Quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã tiến hành đánh giá tác động của các chính sách đề nghị xây dựng Luật về kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính và về giới, cụ thể như sau:
– Đối với tác động về kinh tế, xã hội: Việc sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; quy định về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân nếu được Quốc hội thông qua và thực hiện trên thực tế theo đánh giá của Ban soạn thảo, các quy định này sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiện thực tiễn. Ngoài ra, nếu nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%); đồng thời, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.
– Đối với tác động về hệ thống pháp luật: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân sẽ bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.v.v.. bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Công an nhân dân và Bộ Luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuy nhiên, cũng phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân; Thông tư số 47/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân.
– Đối với tác động về giới: Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân đáp ứng các nguyên tắc bình đẳng giới, theo đó, bảo đảm nữ giới và nam giới được bình đẳng trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất, kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất, cấp bậc hàm. Vì vậy, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và những quyền lợi của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, không có phân biệt đối xử về giới.
– Đối với thủ tục hành chính: Trình tự, thủ tục thực hiện quy định về cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân theo pháp luật hiện hành nên không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
Câu 5. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước hay không?
Trả lời:
– Dự kiến dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân theo hướng kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Theo đó, số kinh phí thực hiện quy định này sẽ nhỏ hơn so với kinh phí phải chi trả cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới để thay thế, gồm: lương cho cán bộ, chiến sĩ được tuyển dụng mới + lương hưu cho số cán bộ nghỉ hưu + chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán mới tuyển dụng. Do đó, chính sách này sẽ không làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước.
– Dự kiến dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân. Do đó, việc sửa đổi các quy định này sẽ phát sinh thêm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với một số vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tăng thêm so với hiện nay, từ Thượng tá lên Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng. Tuy nhiên, số lượng cán bộ được hưởng chế độ, chính sách là không nhiều nhưng lại tạo động lực cũng như trách nhiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; qua đó, thúc đẩy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nỗ lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Câu 6. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng biên chế hay không?
Trả lời:
Dự kiến dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân về quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn và một số quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân nên không làm tăng biên chế trong lực lượng Công an nhân dân.
Câu 7. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có làm tăng thêm thủ tục hành chính hay không?
Trả lời:
Trình tự, thủ tục thực hiện quy định về cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành nên không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới.
Câu 8. Đề nghị giải thích cụ thể quy định: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác và trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Công an nhân dân, tuổi để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải không quá 57 tuổi; tức là với hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp Tướng là 60 tuổi, sĩ quan được thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Do đó, nếu tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân thì cũng phải sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên theo hướng: Sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác, vừa bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp và dễ áp dụng trong thực tiễn.
Câu 9. Tại sao phải bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 23 Luật Công an nhân dân quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”. Khoản 3 Điều 23 Luật Công an nhân dân quy định: “Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc đối với cấp bậc hàm cấp Tướng”. Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Công an đã ban hành văn bản quy định cụ thể về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc có cấp bậc hàm từ Đại tá trở xuống còn đối với việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn thì Luật Công an nhân dân chưa quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn có thành tích đặc biệt xuất sắc nên khó triển khai thực hiện trên thực tế. Để tháo gỡ vướng mắc này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành quy định về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Tuy nhiên, văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên việc luật hóa quy định nêu trên và giao Chính phủ quy định cụ thể là cần thiết.
Câu 10. Việc quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có ảnh hưởng gì đến thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Công an nhân dân năm 2018 hay không?
Trả lời:
Dự án Luật dự kiến bổ sung quy định tại Luật Công an nhân dân về giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu, công tác để nhằm giúp quy định được minh bạch, khả thi, dễ thực hiện. Việc quy định tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn như trên vẫn bảo đảm đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được tại khoản 12 Điều 70 Hiến pháp năm 2013: Quốc hội quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể nội dung này là quy định về mặt nội dung và không làm thay đổi đến quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước quyết định việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn tại khoản 3 Điều 23.
Câu 11. Đề nghị giải thích rõ quy định bổ sung cụ thể 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân?
Trả lời:
Căn cứ đề nghị quy định bổ sung cụ thể 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân là:
Thứ nhất, bổ sung quy định 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; vì vị trí này tương đương cấp Bộ trưởng, được cơ cấu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trên thực tế, Bộ Công an có một đồng chí Thứ trưởng là Ủy viên Trung ương Đảng được biệt phái và phê chuẩn chức vụ này. Do đó, việc bổ sung nội dung này là phù hợp.
Thứ hai, bổ sung quy định cụ thể 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, gồm:
+ Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân. Vì theo quy định của Luật Công an nhân dân và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Giám đốc các học viện: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Giám đốc Học viện Quốc tế, Hiệu trường các trường đại học: Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng nhưng Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân chưa được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì thời điểm xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2018 đang có chủ trương sáp nhập hai trường này vào trường Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân. Hiện nay, trường Đại học Cảnh sát nhân dân và trường Đại học An ninh nhân dân tiếp tục được xác định là cơ sở trọng điểm về đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan nghiệp vụ cho khu vực phía nam nên cần thiết quy định Hiệu trưởng hai trường này có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tương ứng với cấp bậc hàm của Hiệu trưởng các trường đại học trong Công an nhân dân;
+ 01 đồng chí Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì theo Quy định số 30-Qđi/TW ngày 19-8-2021 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh Trợ lý, Thư ký thì đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có 02 Trợ lý, tuy nhiên, hiện nay, Luật Công an nhân dân và văn bản hướng dẫn thi hành mới quy định có 01 đồng chí Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng nên cần quy định 02 đồng chí Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cho thống nhất, đồng bộ;
+ 02 vị trí Phó Cục trưởng và tương đương của 02 đơn vị trực thuộc Bộ Công an, trừ đơn vị có cấp bậc hàm cao nhất là Trung Tướng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 Luật Công an nhân dân, để áp dụng với các đơn vị nghiệp vụ trọng yếu, thực hiện đầy đủ ba chức năng của lực lượng Công an nhân dân; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, đang chủ trì triển khai các nhiệm vụ lớn, đặc biệt quan trọng, có tác động đến toàn xã hội nên cần bổ sung mỗi đơn vị 01 đồng chí Phó Cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Câu 12. Việc bổ sung 06 vị trí cấp Tướng tuy không vượt quá chỉ tiêu mà cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng sẽ không còn vị trí dự phòng khi thành lập đơn vị mới; khi đó, việc bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị thành lập mới có bảo đảm tính khả thi?
Trả lời:
Các vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng được quy định tại Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tùy từng thời điểm, giai đoạn, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong Công an nhân dân, Bộ Công an sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Mặt khác, trên thực tế, không phải thời điểm nào cũng bố trí đầy đủ các vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng. Vì vậy, không ảnh hưởng đến việc dự phòng và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với đơn vị thành lập.
Câu 13. Đề nghị giải thích rõ quy định Trung đoàn trưởng, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm Đại tá?
Trả lời:
Hiện nay, Trung đoàn trưởng trong Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá; tuy nhiên, đứng trước yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, Bộ Công an đã báo cáo cấp có thẩm quyền và thành lập một số Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an địa phương có tổ chức và thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự như các đơn vị tương đương cấp Phòng quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Công an nhân dân năm 2018 (có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá). Vì vậy, việc sửa đổi quy định Trung đoàn trưởng trong Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá là phù hợp.
Về Công an thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (ví dụ thành phố Thủ Đức), đây là đơn vị tương đương với Công an quận thuộc thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; vì vậy, quy định Trưởng Công an thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá như Trưởng Công an quận thuộc thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp.
Câu 14. Đề nghị làm rõ căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an: Tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành?
Trả lời:
Việc đề nghị sửa đổi, bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an dựa trên các căn cứ sau:
Một là, về bổ sung quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an:
Khoản 6 Điều 2 Luật Công an nhân dân quy định: Công nhân công an là những người được tuyển vào làm việc trong Công an nhân dân mà không thuộc diện được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nhưng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an lại được quy định tại Điều 11 Nghị định số 49/2019/NĐ-CP. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì cần quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an trong Luật Công an nhân dân, cụ thể là: nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Hai là, về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan:
+ Đối với nam tăng 02 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019;
+ Đối với nữ: Hạ sĩ quan, sĩ quan (cấp úy, Thiếu tá, Trung tá) có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 55 thì tăng 02 tuổi ; sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá thì tăng 03 tuổi (từ 55 tuổi lên 58 tuổi); sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá thì tăng 05 tuổi (từ 55 tuổi lên 60 tuổi); sĩ quan cấp Tướng thì giữ như quy định hiện nay (60 tuổi).
Việc đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối sĩ quan, hạ sĩ quan theo các mức như trên vừa bảo đảm phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân; đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Câu 15. Vì sao không tăng tuổi nghỉ hưu của tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân theo đúng mức độ tăng của Bộ luật Lao động (Nam: 62 tuổi; Nữ: 60 tuổi)?
Trả lời:
Qua các thời kỳ khác nhau, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được xác định ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn là thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động (hiện nay, thấp nhất là hạ sĩ quan: 45 tuổi, cao nhất là sĩ quan có cấp bậc hàm cấp Tướng: 60 tuổi đối với cả nam và nữ) và tương đồng với tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động).
Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và đặc thù của lực lượng Công an nhân dân thì tùy từng cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, Bộ Công an đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ khác nhau, trong đó, cao nhất là Cấp Tướng, Đại tá: Nam 62 tuổi; Nữ: 60 tuổi; sĩ quan có cấp bậc Thượng tá: Nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi; Sĩ quan có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, hạ sĩ quan thì tăng 02 tuổi so với quy định hiện hành; bởi vì, việc quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần căn cứ vào tính chất đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, thường xuyên tiếp xúc với lĩnh vực công tác có tính nguy hiểm, độc hại nên đòi hỏi cao về thể chất và tinh thần để thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động).
Câu 16. Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan với mức tăng 2 tuổi dựa trên cơ sở nào?
Trả lời:
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Công an nhân dân là: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân; theo đó, trên cơ sở quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, gắn với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an (trừ nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; nữ công nhân công an tăng 05 tuổi).
Việc đề nghị tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an dựa trên cơ sở sau:
Thứ nhất, đối với nam sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tăng 02 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019;
Thứ hai, đối với nữ: Hạ sĩ quan, sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 55 thì tăng 02 tuổi, trong khi đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lao động nữ tăng 05 tuổi. Việc đề nghị tăng 02 tuổi của nữ Hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân; đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Thứ ba, việc đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân không chỉ trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động mà còn trên cơ sở cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan đang đảm nhiệm; do đó, việc tăng ngay 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan không làm ảnh hưởng đến hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ cao hơn.
Câu 17. Việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan và cả công nhân Công an có tác động như thế nào?
Trả lời:
Quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động của các chính sách đề nghị xây dựng Luật; theo đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an trên cơ sở quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019, gắn với đặc thù của lực lượng Công an nhân dân nếu được thông qua và thực hiện trên thực tế theo đánh giá của Ban soạn thảo, các quy định này sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiện thực tiễn. Ngoài ra, nếu nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%); đồng thời, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.
Câu 18. Việc tăng hạn tuổi phục vụ đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá 03 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá 05 tuổi trong khi đa số cấp bậc hàm khác tăng 02 tuổi có tác động về giới như thế nào?
Trả lời:
Việc đề nghị tăng 03 tuổi đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá; 05 tuổi đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở vị trí, tính chất công việc đặc thù trong lực lượng Công an nhân dân và đặc điểm giới. Nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp Cục và tương đương, làm công tác quản lý, phụ trách các lĩnh vực y tế, hậu cần, tài chính, công tác đảng, công tác chính trị… đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn sâu nên đề nghị tăng 05 tuổi. Nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp Phòng và tương đương, vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu nên cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về thể chất để thực hiện nhiệm vụ nên đề nghị tăng 03 tuổi. Còn các trường hợp khác đề nghị tăng 02 tuổi, bảo đảm phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng Công an nhân dân; đặc biệt, đối với cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Việc quy định như trên cũng bảo đảm nữ giới và nam giới được bình đẳng trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và những quyền lợi của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, không có phân biệt đối xử về giới.
Câu 19. Việc tăng hạn tuổi phục vụ có tác động đến nguồn nhân lực của toàn lực lượng, nhất là biên chế, số lượng tuyển sinh, tuyển dụng vào Công an nhân dân hay không?
Trả lời:
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Công an đã xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong Công an nhân dân. Vì vậy, việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất không tác động đến nguồn nhân lực của toàn lực lượng Công an nhân dân.
Câu 20. Căn cứ đề xuất quy định: Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên?
Trả lời:
Lộ trình tăng tuổi đối với sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ 55 tuổi trở lên đối với nữ, công nhân công an thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, tức là mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam, 04 tháng đối với nữ.
Riêng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên, vì: Hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, Cấp úy và Hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong Công an nhân dân và quy định của Bộ luật Lao động (Hạ sĩ quan: 45; Cấp úy 53; Thiếu tá, Trung tá: Nam 55, nữ 53). Do đó, để thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với người lao động, Chính phủ đề nghị áp dụng tăng ngay 02 tuổi mà không theo lộ trình của Bộ luật Lao động.
Mặt khác, việc đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân không chỉ trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động mà còn trên cơ sở cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan đang đảm nhiệm; do đó, việc tăng ngay 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan không làm ảnh hưởng đến hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ cao hơn; đồng thời, bảo đảm sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ trong Công an nhân dân.
Câu 21. Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hay không?
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động là: Mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam, 04 tháng đối với nữ; do đó, Bộ Công an đề nghị lộ trình tăng tuổi đối với Sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất trên 60 tuổi đối với nam, trên 55 tuổi đối với nữ (trừ nữ sĩ quan cấp Tướng), công nhân công an thực hiện theo quy định này của Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, riêng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 60 tuổi trở xuống đối với nam, từ 55 tuổi trở xuống đối với nữ thì tăng ngay 02 tuổi, không theo lộ trình nêu trên, vì: Hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm Trung tá, Thiếu tá, Cấp úy và Hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong Công an nhân dân, quy định của Bộ luật Lao động (Hạ sĩ quan: 45; Cấp úy 53; Thiếu tá, Trung tá: Nam 55, nữ 53); do đó, để thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm cao hơn, Bộ Công an đề nghị áp dụng tăng ngay 02 tuổi mà không theo lộ trình. Việc áp dụng quy định này sẽ bảo đảm sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ (02 năm mới phải thực hiện rà soát) mà không phải thường xuyên rà soát độ tuổi của cán bộ theo từng đối tượng, từng hạn tuổi (03 tháng, 04 tháng phải thực hiện một lần) để thực hiện công tác cán bộ.
Câu 22. Căn cứ đề xuất quy định: Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành?
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình (mỗi năm 03 tháng đối với nam, 04 tháng đối với nữ) cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Do đó, để lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong Công an nhân dân phù hợp với quy định nêu trên của Bộ luật Lao động năm 2019 thì cần quy định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, công an công an bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành.
Câu 23. Việc xác định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 có phù hợp với quy định tại Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hiệu lực trở về trước đối với chính sách có lợi cho tổ chức, cá nhân hay không?
Trả lời:
Dự thảo Luật đề xuất thời điểm tính tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhằm:
Thứ nhất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với lộ trình tăng tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019;
Thứ hai, tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sĩ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất (theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%) ; đồng thời, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên. Mặt khác, quá trình xây dựng Luật, Thường trực Tổ biên tập đã tổ chức lấy ý kiến toàn bộ Công an các đơn vị, địa phương; theo đó, Công an đơn vị, địa phương đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ, chiến sĩ và đều nhất trí với nội dung này.
Vì vậy, việc áp dụng thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ từ năm 2021 sẽ bảo đảm cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được thụ hưởng các chế độ, chính sách cao hơn, phù hợp với quy định tại Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Câu 24. Vì sao phải bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi trong trường hợp đặc biệt?
Trả lời:
Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan Công an nhân dân ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội … Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp.
Câu 25. Vì sao sửa đổi, bổ sung về kéo dài hạn tuổi phục vụ.
Trả lời:
Ngoài các nội dung nêu trên thì dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 30 về về nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ; nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ. Đây là điểm sửa đổi về mặt kỹ thuật, vì nếu thực hiện việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam, từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ thì cần sửa đổi quy định này cho phù hợp.
Câu 26. Vì sao phải giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, chính sách của Công nhân công an?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 42 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: “Công nhân công an được áp dụng chế độ, chính sách như đối với công nhân quốc phòng”. Thực hiện quy định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân, trong đó tiếp tục quy định chế độ, chính sách của công nhân công an như công nhân quốc phòng thực hiện theo Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 về chế độ phụ cấp công vụ; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… Các văn bản này vẫn đang phù hợp, ổn định, chưa cần sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định nâng hạn tuổi phục vụ của công nhân công an (nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi; nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi), trong khi đó, hạn tuổi của công nhân quốc phòng vẫn là 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Do có sự khác biệt nêu trên nên việc sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 42 nêu trên thành: “Giao Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an” là cần thiết nhưng các chế độ, chính sách khác vẫn như công nhân quốc phòng. Do đó, Ban soạn thảo đề nghị “Giao Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an” là phù hợp./.