Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 tại Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, chiều 23/10/2021, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.

Tại Báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong năm 2021, Chính phủ tiếp tục chú trọng chỉ đạo xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Công an xã, thị trấn chính quy được tăng cường; các mô hình, điển hình tiên tiến bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) từng bước được củng cố vững chắc; đã tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội những giải pháp cơ bản, chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng, an ninh truyền thông, an ninh xã hội, dân tộc, tôn giáo; giữ vững ANTT tại các địa bàn chiến lược.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật… Đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại của cả nước. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong năm 2021, lực lượng Công an nhân dân đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. 

Trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, số vụ phát hiện, xử lý giảm 4,92%; đã điều tra, xử lý nghiêm hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn ma túy ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu. Số vụ mới được phát hiện giảm 0,41%, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai được quan tâm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy còn nhiều, phần lớn ở ngoài xã hội, là tác nhân gia tăng các loại tội phạm.

Về công tác quản lý nhà nước về ANTT, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong thời điểm phòng, chống Covid-19. Tích cực triển khai các quy định của Luật Cư trú (sửa đổi) và thực hiện xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân; nhất là ứng dụng phục vụ công tác quản lý dân cư vùng dịch và hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công tác vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp tục được triển khai đồng bộ. 

Trong năm, lực lượng chức năng cũng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa và các giải pháp cấp bách ngăn chặn cháy lớn; kế hoạch, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cháy, nổ, tai nạn giao thông được kiềm chế, số vụ cháy giảm 22,2%, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí.

Bên cạnh những điểm đã đạt được, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe… Qua đó, Báo cáo cũng chỉ rõ một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên. Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2022, tại Báo cáo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội; đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia.

Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm.  Tăng cường đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật.  Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các yêu cầu quản lý xã hội. Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm…

Theo http://bocongan.gov.vn/


Bài viết mới nhất: