HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Sáng ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, cháy chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Dự hội nghị còn có đồng chí Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Tại điểm cầu Yên Bái, dự hội nghị có đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng; đặc biệt là các vụ cháy tại quán Karaoke. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập, hạn chế trong quy hoạch, thiết kế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế; công tác xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy chưa hiệu quả, công tác đầu tư trang thiết bị chuyên dụng trong phòng cháy chữa cháy còn thiếu,… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, tại hội nghị các đại biểu cần tập trung làm rõ những kết quả cũng như tồn tại hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy, công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức cá nhân; công tác tuyên truyền nâng cao kỹ năng và trách nhiệm của các cơ quan liên quan,…

Trong 5 năm (từ 2017 – 2021) toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ cháy gồm gần 15.500 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và trên 1.500 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đã làm trên 430 chết, 790 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính trên 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng; trên 60% các vụ cháy xảy ra ở khu vực thành thị, còn gần 40% xảy ra ở khu vực nông thôn. Đối với 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra trên 1.130 vụ cháy làm gần 60 người chết, trên 50 người bị thương, tài sản thiệt hai sơ bộ ước tính trên 530 tỷ đồng và gần 40ha rừng. Ngoài ra xảy ra gần 2.400 vụ sợ cố nhỏ liên qua đến cháy và 10 vụ nổ.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Long phát biểu tại Hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ Công an: Nguyên nhân dẫn tới cháy nổ là do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sở xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, do tai nạn giao thông, vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Cháy lớn xảy ra tập trung trong các khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng.

Đối với công tác cứu nạn, cứu hộ trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sỹ và trên 30.400 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ; trực tiếp cứu được gần 6.790 người, hướng dân thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được trên 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH; công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCh; công tác thanh tra, kiểm tra, công tác xây dựng lực lượng PCCC…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Yên Bái.

Tại tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh xảy ra trên 170 vụ sự cố, tai nạn; làm 10 người chết, 26 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 14 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái đã huy động 70 lượt phương tiện với gần 300 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức CNCH; trực tiếp cứu được 4 người, tìm được 8 thi thể nạn nhân; hướng dẫn thoát nạn cho hơn 80 người bị mắc kẹt tại các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn ra nơi an toàn, tài sản cứu được ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được trong công tác PCCC; kinh nghiệm thực hiện tốt công tác PCCC. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian vừa qua như: việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng cháy chữa cháy và CNCH còn chậm; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác CNCH chưa toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH chưa thường xuyên.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực và những kết quả của các bộ ngành địa phương trong công tác PCCC, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia phòng cháy chữa cháy đã thực hiện nhiệm vụ cao cả vì bình yên cuộc sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Chính phủ khẳng định PCCC và CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm an toàn kinh tế xã hội. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao trong khi hạ tầng, phòng cháy chữa cháy còn hạn chế; diễn biến thời tiết, thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp. Thủ tướng đề nghị, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC; các bộ, ngành, địa phương phải làm ngay việc triển khai Nghị định 83; rà soát hệ thống các quy chuẩn, quy trình PCCC; tăng cường giáo dục, pháp luật, kỹ năng PCCC và nâng cao ý thức của người dân trong PCCC. Đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư cho công tác PCCC và xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng PCCC. Ngoài ra, cần khẩn trương nghiên cứu ứng dụng CNTT trong PCCC tự động. Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành địa phương tổng kiểm tra rà soát công tác PCCC tại các khu vực như chợ, khu công nghiệp, quán Karaoke,… Kiện toàn lực lượng tại chỗ làm công tác cứu nạn cứu hộ tại khu dân cư và tăng cường công tác tập huấn phương án PCCC. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong công tác PCCC./.

Thực hiện: Thiên Bình  


Bài viết mới nhất: