Trong đó, rất nhiều các ý kiến đánh giá Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội.
Đảm bảo tính pháp lý cho người tham gia giao thông
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, trật tự an toàn giao thông là thước đo về sự tiến bộ, phát triển của xã hội và mức độ được bảo đảm an toàn về tính mạng của con người. Tuy nhiên, tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam hiện nay diễn ra rất phức tạp và gay gắt, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ. So với thế giới, TNGT ở Việt Nam đang ở mức cao. Những số liệu về số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương do TNGT nhiều năm qua đã và đang ở mức báo động về an toàn tính mạng của người tham gia giao thông.
Cùng với đó, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm. Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và đời sống nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Do vậy, dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết từ khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết. Cũng theo vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi nghiên cứu, thấy rõ Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung nhiều điểm mới góp phần đảm bảo tính pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền cũng như người tham gia giao thông.
Cụ thể ở đây là luật hoá các quy tắc giao thông đường bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành phát luật về trật tự an toàn giao thông của nhiều người; các biện pháp tổ chức an toàn giao thông; các biện pháp, trách nhiệm giải quyết TNGT đường bộ của cơ quan Công an, Y tế, bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; công tác quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Đáng chú ý, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật; việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng dẫn đến việc tổ chức thực hiện của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thiếu tính chủ động.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã xác định rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng chuyên trách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn Cảnh sát giao thông đang là lực lượng chính trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bảo vệ trẻ em và người yếu thế
Nhìn nhận về những điểm mới, tác động tích cực của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Đại tá, TS. Đinh Ngọc Khoa (Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ: xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền con người nên dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật) đã có nhiều quy định để đảm bảo cho trẻ em và nhóm người yếu thế được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ khi tham giao thông.
Đại tá Đinh Ngọc Khoa dẫn chứng, dự thảo Luật đặt ra quy định quy tắc chung là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp, trẻ em, người già và người khuyết tật. Đồng thời, dự thảo Luật dành riêng 1 điều để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông. Trong đó, đối với người khuyết tật, người già yếu, trẻ em đã đặc biệt được quan tâm. Mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Luật cũng bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn không chỉ tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, mà tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường thì cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ. Ngay đối với trường hợp nơi có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy được đi, người điều khiển phương tiện cũng phải chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Với quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tại lái xe”, dự thảo Luật cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật và cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định của ngành Y tế. Quy định này được xem là tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển phương tiện dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người yếu thế khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em gồm quy định việc không để trẻ em, ngồi hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) trên xe ôtô khi tham gia giao thông đường bộ. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em…
Dưới một góc nhìn khác về quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) – góp ý, xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông cần phải làm rõ quyền và nghĩa vụ tương ứng của người tham gia giao thông càng cụ thể càng tốt. Tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông bên cạnh quy định thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, thì cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ; đặc biệt cần liệt kê các hành vi cấm (hành vi bị nghiêm cấm không chỉ từ phía người tham gia giao thông mà phải cả từ phía cơ quan Nhà nước, cán bộ thực thi công vụ), nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong quá trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, có thể dẫn tới vi phạm quyền và tự do của người tham gia giao thông.
Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, tiếp cận quyền con người trong xây dựng luật phải dựa trên cơ sở nhân đạo, bảo vệ quyền của cả người gây tai nạn và người bị nạn. Cần cụ thể hoá nghĩa vụ của lực lượng thực thi công vụ, trước hết là Cảnh sát giao thông, từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Bảo vệ quyền con người trong vụ việc/vụ án TNGT, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn.
Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án TNGT, từ khi nhận được tin báo vụ TNGT đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại. Đây là hoạt động đầu tiên và trực tiếp liên quan tới bảo đảm quyền con người, cụ thể là quyền được sống, quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, quyền được bảo vệ tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
https://cand.com.vn