Luật về Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã được biên soạn công phu, nội dung phù hợp với thực tiễn, đề nghị Quốc hội khóa XV sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.
Hoàn thiện pháp luật về giao thông đường bộ
Phát biểu thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 25/5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, một trong những luật có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới đó là các luật liên quan đến giao thông đường bộ vì đây là khuôn khổ pháp lý để tạo nên an toàn giao thông đường bộ. Có hạ tầng giao thông đường bộ đi trước mở đường thì kinh tế – xã hội nơi đường bộ đi ngang qua sẽ phát triển nhanh chóng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của vùng và cả nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, giao thông đường bộ gắn liền với từng cá nhân, tổ chức, mọi lúc, mọi nơi, từ sáng sớm ra đường tới tối mịt về nhà. Xây dựng pháp luật về giao thông đường bộ tốt thì chúng ta sẽ đi lại thuận lợi, an toàn. Nếu có lỗi về hạ tầng, về tổ chức giao thông không hợp lý, không chấp hành quy định của pháp luật về giao thông có thể để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình. Thiệt hại có thể là tính mạng, sức khoẻ, là tài sản mà cả đời người dân tích cóp. Hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức giao thông đường bộ của mỗi quốc gia thể hiện rõ nhất sự tiếp thu văn minh của thế giới đối với quốc gia đó và ứng xử trong văn hoá giao thông cũng thể hiện văn hoá con người của quốc gia.
Vì vậy, giao thông đường bộ là yếu tố quan trọng để đặt mục tiêu xây dựng đất nước an toàn, văn minh, hiện đại. Với tầm quan trọng như vậy, tại sao chúng ta chưa thấy thật sự bức xúc để hoàn thiện pháp luật về giao thông đường bộ? “Theo tôi, đó là vì những người bị rủi ro về giao thông thì họ phải nằm ở nhà, có nhiều người nằm ở bệnh viện, nhiều người nằm ở sâu dưới đất. Họ là những người trụ cột của các gia đình, có thể là các em học sinh, có cả những em nhỏ đang chơi ngoài sân cũng bất thình lình bị tai nạn. Họ không có cơ hội, không còn cơ hội để nói lên những bức xúc của mình tại các buổi tiếp công dân hay các cơ quan của chính quyền. Nhưng nỗi đau và khó khăn của họ, của gia đình họ, tôi nghĩ cũng đáng được quan tâm không kém những khó khăn khác mà người dân gặp phải” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, sau hơn 10 năm, phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, nhiều loại phương tiện mới xuất hiện, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc phát triển mạnh. Công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, biển báo phát sinh nhiều bất cập, vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên nhiều nội dung trong Luật Giao thông đường bộ 2008 không còn phù hợp.
“Luật về Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Chính phủ trình tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đã được biên soạn công phu, nội dung phù hợp với thực tiễn, nếu được Quốc hội khóa XV sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thì chúng ta sẽ có pháp luật hoàn chỉnh để xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đường bộ hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả hơn, người dân sẽ chấp hành tốt hơn đối với các quy định hợp lý” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị và bày tỏ tin tưởng sau khi Luật được ban hành, số người chết vì TNGT sẽ xuống dưới 2.000 người mỗi năm như quốc gia Thuỵ Điển đã đạt được khi họ tập trung vào điều chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ.
“Với những lý do trên về sự cần thiết sửa đổi pháp luật về giao thông đường bộ, tôi đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa luật về Trật tự an toàn giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2022” – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.
Đề xuất nghiên cứu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn thực tế thời gian qua chúng ta xác định chuyển đổi số sẽ chiếm 20% GDP, nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, tiền số, tuy nhiên, khung pháp lý cho hệ thống này thế nào thì chưa có. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan có liên quan nghiên cứu vấn đề này.
Xuất phát từ vai trò cũng như là tiềm năng của lĩnh vực này, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, tiền mã hóa và tài sản mã hóa. “Có những game của chúng ta hiện nay được quy đổi ra tới khoảng độ 9,7 tỷ USD, nhưng mà phần lớn là các startups lại thành lập công ty ở Singapore mà không thành lập tại Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý” – đại biểu Trịnh Xuân An dẫn chứng và đề nghị hết sức nghiên cứu về vấn đề này.
Còn đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) thì cho rằng cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước. “Chúng ta cần phải đặt ra vấn đề tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động hiện đại, thông thoáng, thống nhất nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” – đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, đồng thời nhấn mạnh kinh tế số và kỷ nguyên công nghệ số đang mang đến những cơ hội bứt phá về năng suất lao động, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhưng chính cơ hội này cũng là thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới trong quản lý nhà nước về đào tạo, phát triển và sử dụng lao động.
“Từ thực tiễn đó, tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để đưa vào chương trình” – đại biểu Trần Thị Hồng Thanh kiến nghị.