Tết đến, xuân về, là dịp để mỗi người trở về quây quần bên người thân, gia đình, hưởng niềm vui đoàn tụ. Đối với các phạm nhân được tha tù trước thời hạn dịp Tết nguyên đán Giáp thìn năm nay niềm vui này lại càng nhân lên gấp bội. Bởi từ đây mọi quá khứ tội lỗi, sai lầm đã được họ buông bỏ lại phía sau để trở về trong vòng tay gia đình, cộng đồng và xã hội, được sống một cuộc đời mới, trở thành người có ích cho xã hội.
Ước muốn hoàn lương
“Tôi luôn phải cố gắng quên đi thời gian mà mình phải chấp hành án, không phải để chối bỏ những tội lỗi mình đã gây ra mà là để mình có động lực cải tạo sớm trở về với gia đình…” – phạm nhân Vàng A Dia, sinh năm 1984 trải lòng với phóng viên khi bắt đầu cuộc trò chuyện vào những ngày cuối cùng chấp hành án tại trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái.
Hơn 3 năm trước, A Dia cùng 2 người họ hàng đã rủ nhau lên núi đốn hạ một cây gỗ. Khi đó anh nghĩ đơn giản là cây gỗ đã khô, nên có thể xẻ về để sửa sang lại nhà ở. Cho đến khi bị bắt và bị kết án 03 năm tù, anh mới biết mình đã vi phạm pháp luật với tội danh “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Là người dân tộc Mông vốn lầm lì, ít nói, cả cuộc đời ít khi đi xa khỏi gia đình, nên những ngày đầu chấp hành án tại trại tạm giam là khoảng thời gian khó khăn nhất mà Vàng A Dia phải đối mặt.
“Tôi vừa sợ hãi, vừa lo lắng, lo lắng cho gia đình, lo lắng mình ốm đau, không đủ sức khỏe để chấp hành bản án. Bởi vậy lúc đó thì tôi chỉ có duy nhất một suy nghĩ đó là phải cố gắng sống tốt, cải tạo tốt để có cơ hội trở về với gia đình” – Vàng A Dia tâm sự.
Vàng A Dia mồ côi cha từ khi 12 tuổi, mẹ anh sau đó cũng bỏ đi lấy chồng khác. Dia lập gia đình và có 4 người con. Từ khi bố đi chấp hành án, 2 đứa con của Dia đã lần lượt bỏ học. Do hoàn cảnh khó khăn, nên suốt cả quãng thời gian anh chấp hành án, vợ con cũng chỉ đến thăm nom được vài lần.
“Chủ yếu là cán bộ trong trại tạm giam động viên giúp đỡ tôi, chia sẻ với tôi khi ốm đau, bệnh tật hay những chuyện vui, buồn. Tôi được các cán bộ trại tạm giam sắp xếp cho làm công việc trồng rau, chăn nuôi. Đây là những việc quen thuộc trước đây tôi vẫn làm ở gia đình nên tôi luôn cố gắng làm việc thật tốt. Kết quả trong suốt thời gian lao động, cải tạo tại trại tạm giam, tôi đã được xét giảm án 02 lần, tổng cộng là hơn 10 tháng. Chỉ còn ít ngày nữa là tôi được tha tù trước thời hạn. Giờ tôi đang mong chờ từng ngày, từng giờ để trở về sum vầy, đón Tết Nguyên đán bên gia đình” – phạm nhân Vàng A Dia bộc bạch.
Ngày về
Cùng được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngoài phạm nhân Vàng A Dia, còn có Sùng A Lồng và La Văn Thọ. Đây đều là những phạm nhân phạm tội lần đầu, trong quá trình chấp hành án có nhiều tiến bộ và có ý thức cải tạo tốt.
Cầm trên tay tờ Giấy chứng nhận được tha tù trước thời hạn có điều kiện, anh La Văn Thọ, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xúc động tâm sự: Những ngày đầu bước chân vào Trại tạm giam chấp hành bản án, tôi thấy cuộc đời mình như đã chấm hết. Cả một khoảng thời gian dài tôi sống trong khủng hoảng, dằn vặt. Được các cán bộ động viên, khuyên nhủ và được các bạn tù khác chia sẻ, giúp đỡ, nên dần dần tôi đã vượt qua được mặc cảm, tự ti, phấn đấu lao động, cải tạo, chấp hành nghiêm các nội quy, quy định của trại tạm giam để có được kết quả như ngày hôm nay. Suốt mấy đêm nay tôi không ngủ, chỉ mong trời sáng thật nhanh để được trở về với gia đình, được làm lại cuộc đời một lần nữa…
Có gương mặt hiền lành, nước da trắng trẻo, Sùng A Lồng trông thật bảnh bao khi diện quần jean với áo khoác. Chàng trai dân tộc Mông này phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và đã phải chấp hành bản án 2 năm 10 tháng tù. Trước đây, Sùng A Lồng cũng có cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm bên gia đình như bao người khác, chỉ vì một phút lầm lỡ mà đã đánh mất đi sự tự do.
“Trước đây tôi từng nghĩ đã đi tù rồi thì chẳng còn gì để mà phấn đấu, chẳng còn tương lai gì cả. Những ngày phải chấp hành án là khoảng thời gian đau buồn, u tối mà tôi luôn muốn quên đi nhất. Nhưng có một điều tôi chắc chắn sẽ luôn ghi nhớ đó là tình người mà các cán bộ đã dành cho tôi và các phạm nhân khác. Chính từ đó tôi lại tìm thấy niềm tin và hy vọng làm lại cuộc đời. Tôi hy vọng các phạm nhân khác cũng sẽ cố gắng lao động, cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy định của trại tạm giam để sớm được trở về. Với những kiến thức đã được dạy trong trại tạm giam, sau khi trở về, tôi cũng sẽ cố gắng phát triển chăn nuôi, trồng trọt để lo kinh tế cho gia đình và trở thành một công dân tốt”, Sùng A Lồng chia sẻ.
Sự đồng hành trên bước đường hoàn lương
Thượng tá Đỗ Quang Tuyến, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cho biết, trong năm 2023, nhờ quá trình lao động, cải tạo và chấp hành án tốt, nên Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái đã có 4 phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện, 15 phạm nhân khác được xét giảm án. Trước khi vào chấp hành án tại trại tạm giam, phần lớn số này có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Do vậy để chuẩn bị cho các phạm nhân khi ra tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức giáo dục, cho học tập để họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình trở về địa phương, đặc biệt là trong thời gian thử thách.
Đối với các phạm nhân đang trong quá trình cải tạo thì đơn vị chú trọng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề để các phạm nhân có điều kiện tái hòa nhập tốt hơn. Cùng với đó là phối hợp với Sở thông tin và truyền thông tổ chức xây dựng các “Tủ sách hướng thiện” để phạm nhân có không gian nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện; đồng thời cập nhật thêm kiến thức ngoài xã hội để không bị bỡ ngỡ khi được về tái hòa nhập với cộng đồng.
Giờ phút chia tay nào cũng để lại những cảm xúc lắng đọng, song những cuộc chia tay ở cánh cổng Trại tạm giam chắc chắn sẽ là những cuộc chia tay “đặc biệt” nhất. Bởi sau khi được cởi bỏ quần áo phạm nhân, các công dân sẽ khoác lên mình bộ trang phục mới, mọi quá khứ tội lỗi, sai lầm từ đây sẽ được bỏ lại phía sau để trở về với gia đình, cộng đồng và xã hội.
“Cuộc sống trước mắt chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình chúng tôi tin tưởng và sẽ giúp đỡ cháu phát triển kinh tế để lo cho gia đình, con cái. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn tích cực hơn đối với những người từng có quá khứ lầm lỗi, tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời” – ông Vàng A Vừ, một người dân ở Yên Bái có người thân được tha tù trước thời hạn dịp xuân mới Giáp Thìn mong muốn./.
Bài, ảnh: ĐỖ HUY, GIANG LƯƠNG.