Nghệ An và Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện Đề án 06

Với tinh thần cởi mở, chân thành và cầu thị tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Yên Bái, hai bên đã có buổi trao đổi, học tập, chia sẻ rất thiết thực về kết quả, kinh nghiệm, phương pháp và biện pháp trong triển khai thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06/CP) trên địa bàn 02 tỉnh diễn ra vào sáng nay (23/3).

Quang cảnh buổi làm việc

Nghệ An là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Đề án 06/CP

Đề án 06/CP đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an địa phương, tham gia triển khai thực hiện. Tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP.

Đại tá Cao Minh Huyền – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi làm việc với Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Nghệ An, với sự hỗ trợ của Cục C06, Công an tỉnh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 771/KH-UBND, chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06, qua đó, đã cơ bản thay đổi được nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc của các cơ quan liên quan được nâng cao. Nhiều nhiệm vụ Đề án 06 đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Kết quả dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đã tăng một cách đột phá. Trong tháng 3/2023 (tính đến ngày 20/3/2023), tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt mức trung bình 43.5%, đánh giá tổng hợp Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Nghệ An xếp hạng 04/63 địa phương trong toàn quốc (tăng hơn 37% về tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công, tăng 52 bậc xếp hạng toàn quốc so với thời gian trước tháng 11/2022)Nổi bật, nhóm dịch vụ công Cư trú của ngành Công an, nhóm dịch vụ công ngành Điện lực được tiếp nhận đạt tỷ lệ 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công cấp hộ chiếu, xử lý vi phạm hành chính (phạt nguội) của ngành Công an được tiếp nhận đạt từ 95% đến 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công ngành Tư pháp được tiếp nhận đạt tỷ lệ 74,6%…

Công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, đột xuất và chế độ giao ban định kỳ đã đi vào nề nếp, gắn trách nhiệm thực hiện Đề án với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Công tác tuyên truyền Đề án đã được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng, đến được với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, qua đó, đã có rất nhiều thủ tục hành chính thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, cơ quan Công an đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp trong thực hiện công tác tuyên truyền Đề án 06/CP, tạo tài khoản định danh điện tử, qua đó kết quả thu nhận định danh điện tử đạt cao, xếp thứ 03 toàn quốc sau thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các đơn vị, địa phương đã quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và củng cố đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện đề án trên địa bàn. Đặc biệt, đã hoàn thành việc xây dựng Bộ phận một cửa 460 Công an cấp xã trên toàn tỉnh.

Với những kết quả đạt được, Nghệ An hiện là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai có hiệu quả Đề án 06/CP.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Nghệ An

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An – Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án 06/CP, quá trình triển khai Đề án phải bám sát và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an; sự hướng dẫn, phối hợp của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an. Đặc biệt là việc xác định, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm; hỗ trợ về các điều kiện, giải pháp thực hiện trên từng mặt công tác. Căn cứ tình hình thực tế của từng Sở, ngành, địa phương để chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, quy định cụ thể nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Tổ công tác, Tổ giúp việc Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp, Tổ tuyên truyền, Tổ công nghệ số cộng đồng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Mặt khác, chính quyền cơ sở phải xác định được đặc điểm dân cư, trình độ nhận thức của người dân theo từng khu vực, từ đó có biện pháp xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng đảm bảo người dân có thể tiếp thu, hiểu biết được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện Đề án.

Cùng với đó, phải quan tâm đầu tư trang thiết bị, nguồn kinh phí phục vụ thực hiện Đề án 06/CP; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ có trình độ về công nghệ thông tin để bố trí, sắp xếp, bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP trên địa bàn…

Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái trao đổi về những nội dung trong việc thực hiện Đề án 06/CP

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả tỉnh Nghệ An đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 06, thay mặt đoàn công tác UBND tỉnh Yên Bái, Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái mong muốn và đề nghị được UBND tỉnh cũng như các Sở, ngành của Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện để giúp Yên Bái tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu Đề án 06/CP đặt ra cho tỉnh.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, chia sẻ cụ thể, chi tiết những vấn đề liên quan đến công tác số hóa, xác thực dữ liệu hộ tịch; dữ liệu đất đai; dữ liệu an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc triển khai thực hiện các dịch vụ công thiết yếu; việc xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện Dịch vụ công; cài đặt, kích hoạt định danh điện tử.

Đoàn công tác UBND tỉnh Yên Bái và UBND tỉnh Nghệ An tặng quà lưu niệm cho nhau.

Hai bên cũng đã trao đổi sâu về một số nội dung làm sạch dữ liệu dân cư còn vướng mắc như: Xóa trùng; cập nhật dữ liệu thông tin công dân còn thiếu; cập nhật dữ liệu phạm nhân; dữ liệu bảo hiểm tại các khu công nghiệp…; công tác chỉ đạo các cơ sở lưu trú trên địa bàn bao gồm: Khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở khác có chức năng lưu trú thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Công an. Việc triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp và các nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 thuộc lĩnh vực y tế. Công tác triển khai giải pháp thu, nộp học phí không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an và Công an tỉnh thực hiện đăng ký, cấp, quản lý chữ ký số cho giáo viên trên ứng dụng VNeID phục vụ phụ huynh học sinh và nhà trường trong quá trình thu nộp các khoản phí trong năm học. Công tác xác định nhu cầu, tham mưu bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án 06 đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.

Theo nghean.gov.vn


Bài viết mới nhất: