Những người thầy “đặc biệt”

Hôm nay là ngày 20-11, ngày tri ân của các thế hệ học sinh đối với các thầy, cô giáo của mình. Nhưng có lẽ ít người biết được trong lực lượng Công an cũng có một môi trường giáo dục thật đặc biệt, nơi đó cũng có những người  “thầy, cô” xuất phát từ tình thương và trách nhiệm của mình cũng đang từng ngày, từng giờ nỗ lực cảm hóa giáo dục người lẫm lỗi, hướng họ đến một tương lai tươi sáng. Nơi đây như một “trường học thứ hai” giúp những người đã từng lầm lỗi học lại bài học về đạo đức, pháp luật, khơi dậy những “mầm thiện” trong mỗi con người.

Phạm tội mua bán trái phép chất ma túy…phạm nhân Đào Thị Hằng phải chịu án 2 năm tù. Ngày mới đến Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái chấp hành án, Hằng cũng như bao phạm nhân khác đều có chung tâm lý hoang mang, lo sợ, cùng với sự ăn năn, hối hận muộn màng khiến phạm nhân Đào Thị Hằng ngại tiếp xúc, xa lánh tất cả mọi người.

Trung tá Nguyễn Thị Dung – Phó trưởng Phân trại, Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cho biết phạm nhân Đào Thị Hằng khi vào đây thì có sự thay đổi tâm lý rất lớn, bởi vì đang ở ngoài xã hội bị bắt vào đây, phải chấp hành một bản án nên là thay đổi từ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng gia đình, nên là chúng tôi cũng phải bám sát phạm nhân để động viên, giáo dục họ yên tâm chấp hành án.

Sự quan tâm giúp đỡ, tư vấn về pháp luật, dạy nghề, chia sẻ những đắn đo của các cán bộ quản giáo, đã giúp phạm nhân Đào Thị Hằng thức tỉnh, phấn đấu chấp hành tốt bản án và được xét giảm thời hạn chấp hành án. Giờ đây phạm nhân Đào Thị Hằng đang mong ngóng từng ngày được trở về bên gia đình, hòa nhập với xã hội.

Phạm nhân Đào Thị Hằng (ngoài cùng bên phải) cùng các phạm nhân khác đọc sách, báo tại “Tủ sách hướng thiện”.

 “Được sự quan tâm của các cán bộ quản giáo, tôi cũng đã phấn đấu chấp hành tốt và năm 2023 tôi đã được xét giảm án 8 tháng. Giờ tôi chỉ biết phấn đấu cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập với xã hội, trở thành một công dân tốt” Phạm nhân Đào Thị Hằng tâm sự.

Trong số các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái có không ít người chưa biết chữ, người không có nghề nghiệp, người đồng bào dân tộc ít người…Bởi vậy, mỗi cán bộ, chiến sỹ phải vừa là một người quản lý, vừa là một người thầy trong nghiên cứu tâm lý tội phạm để chia sẻ, định hướng cho các phạm nhân phấn đấu cải tạo tốt, sớm được trở về với cộng đồng, xã hội.

“Trong công tác quản lý giáo dục phạm nhân thì để giáo dục phạm nhân trở thành người tốt thì ngoài việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật, mỗi cán bộ quản giáo cũng thường bám sát đến tâm lý, tư tưởng của phạm nhân để có các hình thức động viên, khuyến khích kịp thời. Ví dụ như là phạm nhân ốm đau thì cho đi khám chữa bệnh kịp thời hoặc là đôi khi gặp gỡ gia đình xong thì cũng có những cái khúc mắc, nỗi buồn thì mĩnh cũng phải chia sẻ, động viên làm sao để phạm nhân yên tâm cải tạo cho tốt”Trung tá Nguyễn Thị Dung – Phó trưởng Phân trại, Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cho biết thêm.

Xác định cảm hóa và làm thay đổi nhận thức là cách giáo dục tốt nhất. Chính vì vậy,  những năm qua, Trại Tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cũng đã chủ động triển khai xây dựng các “Tủ sách hướng thiện” với hơn 200 đầu sách, báo về pháp luật, kinh tế, thơ văn…để phạm nhân có không gian nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện, giúp họ có thêm kiến thức trong những giờ giải lao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu giữa cán bộ và phạm nhân được tổ chức đều đặn, đây cũng là một biện pháp hiệu quả để giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý, thoải mái trong quá trình học tập và phấn đấu cải tạo tốt.

Phạm nhân Sùng A Lồng được chăm sóc sức khỏe tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái.

Phạm nhân Sùng A Lồng đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Trong Trại tạm giam thì tôi cũng được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với sự nỗ lực của bản thân thì tôi đã được xét giảm thời gian chấp hành án 6 tháng. Chỉ còn ít ngày nữa là tôi chấp hành xong bản án, chính vì vậy khoảng thời gian còn lại tôi sẽ tiếp tục phấn đấu chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, thi đua phấn đấu cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình, trở thành công dân tốt.

Không chỉ luôn trăn trở để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất có thể giúp những người lầm lỗi sau cánh cửa nhà tù thấy lại niềm tin và động lực sống, các cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái còn phối hợp với các cơ sở, ban ngành tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân, giúp họ chuẩn bị hành trang cho ngày về, trở thành con người có ích cho xã hội.

“Trong quá trình phạm nhân chấp hành án thì chúng tôi cũng đã tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho các phạm nhân. Thường xuyên liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có các phạm nhân đang thi hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh để khi phạm nhân được trở về với gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương sẽ hướng cho phạm nhân có một ngành nghề để bảo đảm cuộc sống cho gia đình, bản thân phạm nhân và không còn mặc cảm” Thượng  tá Nguyễn Trọng Thắng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái cho biết.

Vượt lên những khó khăn, vất vả, niềm vui của những người quản giáo là ánh mắt thân thiện của phạm nhân, là từng ngày thấy những tiến bộ trong họ. Nơi đây như một “trường học thứ hai” giúp những người đã từng lầm lỗi học lại bài học về đạo đức, pháp luật, khơi dậy những “mầm thiện” trong mỗi con người.

Bài, ảnh: ĐỖ HUY, GIANG LƯƠNG.


Bài viết mới nhất: