Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (78,14%), chiều 28/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật được thông qua gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đó là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện KT-XH của từng địa phương. Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật gồm: Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ. Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ