Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Như CAND online đã đưa tin, Hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ” được Bộ Công an tổ chức dưới sự chủ trì của Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Dự Hội thảo tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long và Trung tướng Trần Vi Dân tại hội thảo.

Về phía đơn vị Thường trực tổ chức hội thảo, tham gia điều hành thảo luận cùng đồng chí Thứ trưởng có Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm sâu sắc luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ, phản ánh sự cần thiết và cấp thiết của việc xây dựng dự án luật trong tình hình Việt Nam hiện nay.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Vấn đề an ninh, an toàn giao thông cần thiết có luật riêng

Đại diện hơn 10 triệu đoàn viên, người lao động tham gia giao thông bày tỏ suy nghĩ cá nhân cũng như đại diện cho người lao động khi tiếp cận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, ông may mắn tham gia Quốc hội khóa XIV, ngay khi Chính phủ trình dự án luật này đã khẳng định rõ việc cần thiết ban hành. Vì TTATGT là một bộ phận của an ninh quốc gia, cần tiếp cận dưới góc độ ANQG. Trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật…

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu trình bày tham luận tại điểm cầu Công an tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng, vấn đề kỹ thuật, hạ tầng, kinh tế và vấn đề an ninh, an toàn cần thiết có luật riêng. Đặc biệt, khi ATGT ở nước ta đang nổi lên như một vấn đề cấp bách, nổi cộm, mọi người dân trước khi bước ra đường đi học, đi làm đều mong muốn về nhà an toàn. Dẫn số liệu từ năm 2009 đến tháng 8/2020 cả nước xảy ra gần 335.000 vụ TNGT, làm chết hơn 100.000 người, hầu hết là lực lượng lao động trẻ, ông đề xuất dự án luật phải đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý. Dự thảo luật đã xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ quản lý nhà nước về TTATGT, xây dựng lực lượng CSGT là lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT đường bộ và chịu trách nhiệm tham mưu với cấp có thẩm quyền tổ chức. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn CSGT đang là lực lượng chính trong quản lý TTATGT đường bộ.

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Đại biểu tham dự tại Hội trường Bộ Công an.

Góp ý vào nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc chia Giấy phép lái xe thành 11 hạng, thay vì 15 hạng như hiện nay; nghiên cứu “trẻ hóa” đối tượng được cấp Giấy phép lái xe (hạng A01) bởi sự phát triển về sức khỏe, tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển so với trước đây. “Mong luật này khi được thông qua quan tâm xây dựng hình ảnh lực lượng CSGT trách nhiệm, liêm chính – lực lượng chủ công đảm bảo TTATGT, một lĩnh vực khó, nhạy cảm, liên quan đến dân, để người dân luôn tin tưởng, gửi gắm, qua đó bảo đảm TTATGT đường bộ”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Luật TTATGT đường bộ làm tốt sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho con người và xã hội

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS Tường Duy Kiên cho biết, Hiến pháp năm 2013 có 1 chương đề cao rất lớn việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Điều này còn quy định ở rất nhiều chương, đặc biệt quy định Nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Trong lĩnh vực tham gia giao thông, vấn đề an toàn, đảm bảo quyền sống của con người được đặt lên hàng đầu.

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
PGT.T Tường Duy Kiên tham luận tại hội thảo.

Theo ông, Văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng đặt vấn đề về an ninh con người. Do đó, vấn đề bảo đảm TTATGT chắc chắn thuộc trách nhiệm của Nhà nước. “Hàng năm, TNGT khiến nhiều người chết, số người bị tàn tật cũng nhiều, luật này nếu làm tốt sẽ mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn mang lại lợi ích, quyền sống cho con người. Đồng thời, uy tín của Nhà nước cũng tăng lên, uy tín của cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên trong bảo đảm TTATGT là Bộ Công an, trực tiếp là CSGT. Hơn nữa, tỷ lệ TNGT, tỷ lệ người chết, người bị tàn tật giảm thì chi phí xã hội giảm, có ích cho xã hội”, PGS.TS Tưởng Duy Kiên phân tích.

Viện trưởng Viện Quyền con người cho rằng, xây dựng Luật TTATGT đường bộ trước hết nói đến trách nhiệm của nhà nước, cần làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ trong bảo đảm TTATGT đường bộ; làm rõ quyền và nghĩa vụ tương ứng của người tham gia giao thông; tiếp cận quyền con người trong xây dựng lực lượng ATGT đường bộ…

Ông cũng đề nghị tiếp cận quyền con người theo hướng nhân đạo, bảo vệ quyền của cả người gây tai nạn và người bị hại, đặc biệt nhóm yếu thế khi tham gia giao thông, như người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi… Đồng thời, tiếp cận quyền ở nhân tố người tham gia giao thông là điều quan trọng để hạn chế vi phạm giao thông; tiếp cận quyền trong phòng ngừa vi phạm chính là hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa: Luật Giao thông đường bộ còn nhiều bất cập, hạn chế

Từ điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có hệ thống giao thông đường bộ lớn, mật độ người tham gia giao thông đông. Thực tiễn ở địa phương nhận thấy, để triển khai hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước về TTATGT đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và quần chúng Nhân dân; ngoài lực lượng CAND phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Phối hợp trong tham mưu, cụ thể hóa chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo đảm TTATGT; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; điều tra, giải quyết TNGT; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Những năm vừa qua, sự phối hợp đó đã góp phần bảo đảm ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn.

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Tiến trình bày tham luận tại điểm cầu địa phương.

Tuy nhiên, quá trình phối hợp thực hiện công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân cụ thể do tồn tại, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Chẳng hạn, thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập; chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức ATGT, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; chưa có quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết TNGT đường bộ của Cơ quan Công an, Y tế, Bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Từ những đánh giá trên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa kiến nghị, Bộ Công an tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm hoàn thiện và ban hành Luật TTATGT đường bộ nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp theo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và 1 việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính”, đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Đồng chí Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc: Đồng tình nội dung TTATGT đường bộ thuộc thẩm quyền của Bộ Công an

ĐBQH Trần Văn Tiến đã phân tích tình hình TTATGT hiện nay, trong đó nêu rõ, TNGT phức tạp, số người chết, số người bị thương còn nhiều; từ đó, kiến nghị cần xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về an toàn giao thông. Đề xuất 8 nhóm giải pháp đảm bảo TTATGT trong thời gian tới, theo ông cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật đảm bảo TTATGT đường bộ; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, xử lý kịp thời các “điểm đen”, xung đột, các điểm tiềm ẩn gây TNGT; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm…

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
ĐBQH Trần Văn Tiến trình bày tham luận tại điểm cầu Vĩnh Phúc.

“Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ theo chủ trương của Đảng, cụ thể hoá Hiến pháp, thực hiện quyết tâm của Chính phủ” – đồng chí Trần Văn Tiến kiến nghị.

Đối với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan, ĐBQH Trần Văn Tiến đề nghị cần rà soát các văn bản pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình để hoàn thiện hành lang pháp lý về TTATGT đường bộ; tiếp tục nâng cao công tác giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ trong học đường.

“Tôi suy nghĩ, nội dung TTATGT đường bộ là một bộ phận của trật tự an toàn xã hội, tôi đồng tình chức năng này thuộc thẩm quyền Bộ Công an; kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện giao thông thuộc chức năng Bộ GTVT, bảo đảm ATGT thuộc chức năng của Bộ Công an”, ông nêu quan điểm và đề nghị nghiên cứu, phân định rõ nội hàm giữa ATGT đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ với nội hàm đảm bảo TTATGT đường bộ trong pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ để tránh chồng chéo khi xây dựng các pháp luật nói trên.


Bài viết mới nhất: